Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành với nhà đầu tư

Chính phủ Việt nam luôn đồng hành với các nhà đầu tư

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” vừa được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 18/4. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tham dự và phát biểu tại hội thảo.

 

Việt Nam có 1.015 DN FDI thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế – xã hội của các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng; nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua.

Triển khai các hành động của BEPS, tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20 đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu), bao gồm:

Thứ nhất, trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số;

Thứ hai, trụ cột 2 đặt ra mức thuế DN tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.

Khung giải pháp hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo nguyên tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn. Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên khác áp dụng.

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu và một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều DN thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Hiện tại Việt Nam, có 1.015 DN có vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 DN có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam (ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN); miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế) được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào…, giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Đến năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với năm 2021 nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ, qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%, trong đó, thường là các DN trong lĩnh vực công nghệ cao (như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…). Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

“Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế TNDN mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án” – Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đánh giá.

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các DN trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

“Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.” – Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh lưu ý.

Việt Nam cam kết luôn đồng hành với các DN FDI

Tham luận trực tiếp tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều ý kiến, trong đó tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm, như: Các nội dung chính của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; Tình hình chuẩn bị, triển khai áp dụng Trụ cột 2 ở các quốc gia nguồn cũng như các quốc gia tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là những quốc gia có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam; Nhận định, đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến NSNN, nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Trong đó, có diễn giả đã đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, có chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng, sẽ tác động kép đối với DN. Vì vậy, sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành với nhà đầu tư vì lợi ích phát triển của quốc gia và của các nhà đầu tư, theo đó đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, để khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam, vào tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng.

Tiếp đó, vào tháng 2/2023, để triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

“Do thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới, quan trọng và có nhiều yếu tố kỹ thuật, nên hôm nay, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học nhằm tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế, từ đó thêm một kênh thông tin về kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia đối với thuế tối thiểu toàn cầu để Việt Nam có thể đánh giá các tác động và đưa ra những giải pháp cho Việt Nam trong thời gian tới.” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Nguồn: Tổng cục thuế Việt Nam

Xem thêm tại: Đại lý thuế TPM

Trên đây là những tin tức về thuế mà TPM cập nhật được muốn chia sẽ cho Qúy độc giả. Mọi thắc mắc về thuế xin vui lòng liên hệ TPM theo thông tin sau để được hỗ trợ, tư vấn và giải đáp.

Website: https://tpm.com.vn/
Mail: htdn@tpm.com.vn
Hotline: +(8428) 3505 1800
Địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà GroCenter, 132-134 Điện Biên Phủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh

Leave A Comment