Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện. Theo Tổng cục Thuế, thông qua việc gia hạn nộp các loại thuế và tiền thuê đất theo dự thảo nghĩ định thực hiện trong năm 2022 đã được xây dựng giúp tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay.
Gia hạn nộp thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi
Các giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022.
Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng như Dự thảo Nghị định trong về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2022. Do đây là các giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Tại hội thảo trực tuyến góp ý các nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước do Tổng cục Thuế phối hợp với Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục Thuế đã làm rõ thêm về những điểm mới của 2 dự thảo Nghị định so với Nghị định số 52/2021/NĐ-CP (về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021) và Nghị định số 104/2021/NĐ-CP (về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước) đã thực hiện trong năm 2021.
Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước 6 tháng
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), so với Nghị định số 52/2021/NĐ-CP năm 2021, dự thảo Nghị định về thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đã bổ sung thời hạn nộp tiền thuê mặt nước (quy định gia hạn tiền thuê mặt nước như tiền thuê đất) cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Dự thảo đã bỏ quy định để được gia hạn tiền thuê đất, NNT phải nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn nộp của năm trước; Đồng thời bỏ quy định: cơ quan thuế chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế quy định tại Điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đối với số tiền thuế còn nợ của người nộp thuế được gia hạn theo quy định của nghị định này; thời gian chưa thực hiện cưỡng chế từ ngày ban hành nghị định đến ngày 31/12 để phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 124 Luật Quản lý thuế (quy định trường hợp bị cưỡng chế là NNT có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn).
Theo bà Hiền, quy định đối tượng gia hạn trong dự thảo được kế thừa toàn bộ quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, bao gồm các nhóm đối tượng cụ thể như doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn ở các lĩnh vực dịch vụ khác như lưu trú, ăn uống, kho bãi, dịch vụ du lịch; hoạt động sản xuất công nghiệp, cơ khí trọng điểm, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân bị ảnh hưởng COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…
Việc gia hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho doanh nghiệp được dư luận đánh giá cao. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi trong một thời gian, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lớn, thay vì nộp thuế cho Nhà nước, thì dành nguồn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ quay trở lại có đóng góp cho ngân sách.
Bên cạnh đó, đối với dự thảo nghị định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết, so với Nghị định số 04/2021/NĐ-CP năm 2021, dự thảo Nghị định cho phép kéo dài thời hạn áp dụng nhằm tạo thuận lợi cho DN có thêm nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP chỉ cho phép gia hạn 2 tháng nên số doanh nghiệp được thụ hưởng ít, khi xây dựng dự thảo năm 2022, cơ quan soạn thảo đã đưa nội dung cho phép gia hạn của kỳ tính thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 6,7,8 và 9/2022 và thời hạn gửi giấy đề nghị gia hạn chậm nhất là 20/11/2022. Thời gian gia hạn cũng có quy định nguyên tắc áp dụng cả trường hợp kê khai bổ sung.
Mặt khác, dự thảo đã bỏ quy định nếu người nộp thuế gửi giấy đề nghị nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho cơ quan thuế sau thời gian quy định thì không được gia hạn. Cũng theo bà Hiền, các nghị định sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn mà giao Bộ Tài chính hướng dẫn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định về nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 là hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Còn đối đối tượng của nghị định thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Nguồn: Tạp Chí Tài Chính
Đại Lý Thuế TPM cung cấp các giải pháp chuyên sâu về Thuế – kế toán với các dịch vụ chính như Đại lý thuế, Rà soát sổ sách kế toán, Quyết toán Thuế TNCN,… uy tín, chuyên nghiệp với mức giá hợp lý. Hãy liên hệ ngay với Đại Lý Thuế TPM chúng tôi thông qua Hotline: 090 298 1080 hoặc địa chỉ email: info@tpm.com.vn để được tư vấn.