Ngày 17/3/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BTC (Thông tư 16) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26/5/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/5/2023.
Sửa đổi quy định về “Điều chỉnh vốn điều lệ tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”
Thông tư 16 sửa đổi quy định về “Điều chỉnh vốn điều lệ tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2) như sau:
Đối với DN đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các DN không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo DN thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào NSNN, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của DN.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, DN có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của DN vào NSNN. Khi DN nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào NSNN thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển nhượng vốn, quyền mua cổ phần, quyền góp vốn đầu tư của Nhà nước và DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển nhượng vốn, quyền mua cổ phần, quyền góp vốn đầu tư của Nhà nước và DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, nguyên tắc, thẩm quyền quyết định và phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 15 và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 18, khoản 19 Điều 2 và khoản 4, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
Khi chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác không phải là thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên (sau khi các thành viên trong công ty không mua hoặc không mua hết), cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 15 và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 18, khoản 19 Điều 2 và khoản 4, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp với Điều lệ của DN nhằm đảm bảo thoái hết phần vốn cần chuyển nhượng và không làm vượt quá số lượng thành viên tối đa theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Nguyên tắc, thẩm quyền quyết định và phương thức chuyển nhượng vốn của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 12 và khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 15 và khoản 16 Điều 2, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
Khi chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác không phải là thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên (sau khi các thành viên trong công ty không mua hoặc không mua hết), DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, khoản 15 và khoản 16 Điều 2, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP. DN quyết định áp dụng phương thức chuyển nhượng phù hợp với Điều lệ của DN nhằm đảm bảo thoái hết phần vốn cần chuyển nhượng và không làm vượt quá số lượng thành viên tối đa theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Bổ sung quy định về phân phối lợi nhuận
Thông tư 16 bổ sung quy định “Phân phối lợi nhuận đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của nhà nước” (Điều 7a).
Theo đó, DN thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ; trường hợp DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con thì căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ để xác định lợi nhuận sau thuế làm cơ sở phân phối.
Ngoài ra, Thông tư còn sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo và tổng hợp báo cáo; Sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 về Quy chế mẫu về chuyển nhượng vốn của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; Thay thế Phụ lục số 03 về Báo cáo một số chỉ tiêu ngoại bảng hợp nhất – mô hình công ty mẹ công ty con.
Nguồn Tổng cục Thuế Việt Nam
Xem thêm tin khác tại Đại lý Thuế TPM
Website: https://tpm.com.vn/
Mail: htdn@tpm.com.vn
Hotline: +(8428) 3505 1800
Địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà GroCenter, 132-134 Điện Biên Phủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh