Vốn điều lệ là gì ? Có cần chứng minh vốn điều lệ hay không ? Cá nhân góp vốn bằng tiền mặt hay bắt buộc phải chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng ? Vấn đề trên hiện đang là thắc mắc của rất nhiều Doanh nghiệp trong quá trình thành lập và góp vốn kinh doanh vào công ty.
Căn cứ pháp lý:
– Thông tư Số 09/2015/TT-BTC
– Nghị Định Số 222/2013/NĐ-CP
– Công văn Số 786/TCT-CS
- VỐN ĐIỀU LỆ LÀ GÌ ?
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
- CHỨNG MINH VỐN ĐIỀU LỆ KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Khi thành lập, Doanh nghiệp sẽ tự đăng ký vốn điều lệ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai. Trên thực tế, Doanh nghiệp không cần phải chứng minh vốn điều lệ tại bước đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh, các cổ đông hoặc thành viên công ty phải tiến hành và hoàn thành thủ tục góp vốn điều lệ. Nếu quá 90 ngày mà các thành viên/cổ đông vẫn chưa góp đủ vốn thì công ty bắt buộc phải làm hồ sơ giảm vốn điều lệ. Số vốn điều lệ sau khi làm thủ tục giảm vốn sẽ tương ứng với số vốn điều lệ đã thực góp tại doanh nghiệp.
Việc chứng minh phần vốn góp của thành viên công ty là hoàn toàn cần thiết. Các thành viên góp vốn hoặc cổ đông sẽ phải nắm giữ các giấy tờ để chứng minh mình đã góp vốn vào công ty. Cũng như lấy đó làm căn cứ để phân chia lợi nhuận sau này.
- VẬY KHI GÓP VỐN ĐIỀU LỆ, CÁ NHÂN PHẢI GÓP BẰNG TIỀN MẶT HAY CHUYỂN KHOẢN?
- Đối tượng áp dụng và Hình thức góp vốn được quy định lần lượt tại Điều 2 và Điều 3 tại Thông tư số 09/2015/TT-BTC
“ Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan trong quan hệ giao dịch
Điều 3: Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
- Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
- Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
- a) Thanh toán bằng Séc;
- b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
- Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. ’’
Căn cứ vào Điều 2 và Điều 3 của thông tư này, chỉ khi góp vốn kinh doanh từ một doanh nghiệp (pháp nhân) vào một doanh nghiệp khác bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt. Và không đề cập đến vấn đề cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp bắt buộc không dùng tiền mặt.
- Và để khẳng định hơn nữa, vào ngày 01/03/2016 Tổng Cục Thuế đã có Công văn Số 786/TCT-CS giải đáp về vấn đề này như sau:
“ 1. Quy định về thanh toán bằng tiền mặt.
Tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt quy định:
“Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”
Căn cứ quy định trên thì các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt khi góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Quy định trên không áp dụng bắt buộc đối với cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp.
Một lần nữa, có thể hoàn toàn khẳng định rằng việc góp vốn điều lệ bằng tiền mặt của cá nhân vào Doanh nghiệp là hợp lệ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
- HỒ SƠ, CHỨNG TỪ CHỨNG MINH PHẦN VỐN GÓP ĐÃ GÓP:
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện rõ tỷ lệ vốn góp của các thành viên/ cổ đông
– Điều lệ công ty
– Giấy chứng nhận góp vốn
– Sổ đăng ký thành viên/ cổ đông.
– Biên lai thu tiền, chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng, chứng từ về tài sản góp vốn.
– Các tài liệu khác trong nội bộ doanh nghiệp.
Trên đây nội dung tư vấn của Đại lý thuế TPM, nếu Quý DN vẫn gặp khó khăn, vướng mắc hãy liên hệ ngay với Đại Lý Thuế TPM để được tư vấn tốt nhất bởi đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, nhanh chóng và chi phí tối ưu dành cho Doanh Nghiệp