Tại Hội thảo “Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/5, các chuyên gia đều khẳng định, việc thực thi cam kết ưu đãi thuế quan giai đoạn mới sẽ giúp tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó tạo tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Gia tăng cạnh tranh cho hàng hóa trong nước
Theo đánh giá của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 2018 – 2022. Quá trình thực thi cho thấy, các văn bản ban hành được người dân và cộng đồng DN đánh giá là kịp thời, thông tin minh bạch, rõ ràng, thuận tiện cho thực thi. Cùng với khoảng 75% DN phản hồi tích cực đối với các nghị định ban hành trong giai đoạn vừa qua, thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các FTA đều ở mức trên 70%. Việc thực thi thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn vừa qua đóng góp tích cực vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu với tỷ lệ trên 52% (giai đoạn 2018-2022).
Tuy nhiên, theo quy định, thì danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam của Tổ chức hải quan thế giới và danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (danh mục AHTN) được định kỳ sửa đổi theo lộ trình mỗi 5 năm. Tương ứng như vậy, các nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi cũng được ban hành theo lộ trình thực thi tương ứng nhằm nội luật hóa các cam kết thuế quan, phù hợp phân loại hàng hóa theo chuẩn mực quốc tế. Hiện, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 hiệp định thương mại song phương (PTA) với mức bao phủ hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nhằm thực hiện thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục AHTN 2022 (có hiệu lực từ ngày 30/12/2022) và thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 17 nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA/PTA giai đoạn 2022-2027 để thay thế các nghị định cho giai đoạn 2018-2022 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.
Bà Nguyễn Phương Linh, Trưởng phòng Hợp tác đa phương (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính) cho biết, về cơ bản, nội dung tại các nghị định này đều kế thừa toàn bộ các quy định tại các nghị định ban hành giai đoạn 2018-2022, nhằm đảm bảo sự ổn định về chính sách, đồng thời tuân thủ đúng lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết. Các cam kết ưu đãi thuế giai đoạn mới sẽ giúp tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; tạo điều kiện tăng hiệu qua phân bổ nguồn lực và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Qua đó, đóng góp vào dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu và kinh tế, đồng thời làm gia tăng cạnh tranh của hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Chia sẻ thêm về điểm mới trong các nghị định, bà Linh cho biết, các FTA chuyển đổi cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn từ năm 2022 – 2027/2028, nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho DN. So với danh mục AHTN 2017 với 10.813 dòng thuế, AHTN 2022 đã được mở rộng phạm vi với 11.414 dòng thuế, tương ứng với đó là số dòng thuế tại các nghị định cũng được tăng lên. Bên cạnh đó, ngoài một số đã kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan (như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA 2018), Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc (ASEAN – Trung Quốc 2020), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-NewZealand), các FTA khác vẫn tiếp tục lộ trình cắt giảm thuế quan.
Mặt khác, để bảo lưu quyền lợi của Việt Nam khi thực thi FTA và PTA, các biểu thuế tiếp tục duy trì việc tách các dòng thuế ở cấp độ 10 số quốc gia, tuy nhiên, do quá trình thực thi cơ bản đã ổn định, số lượng các dòng thuế cấp 10 số giảm xuống chỉ còn 497 dòng (giảm 124 dòng so với phiên bản cũ). Bên cạnh đó, các nghị định làm rõ quy định về ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng hoá từ khu phi thuế quan. Theo đó cho phép áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan trong trường hợp đáp ứng đủ các điều …Song quá trình chuyển đổi thuế phải tuân thủ hoàn toàn các cam kết mà Việt Nam đang thực thi, không tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực đến việc tận dụng ưu đãi của DN.
Lưu ý cho DN khi muốn tận dụng ưu đãi
Đánh giá về tác động của các FTA trong tương lai, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Lao động VIệt Nam), các FTA sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong các hiệp định có những lực cản như biến động của thị trường, năng lực cạnh tranh của DN…
Bà Trang cho rằng, các DN cần tìm hiểu kỹ các cam kết của các hiệp định. Đơn cử, với thị trường Nhật Bản, hiện Việt Nam có 4 hiệp định thì DN cần tìm hiểu 4 biểu thuế khác nhau của 4 hiệp định này cũng như biểu thuế chung xem biểu thuế nào ưu đãi hơn. Mỗi ưu đãi của các hiệp định đều gắn với quy tắc xuất xứ, do đó DN cần xem xét có thể đáp ứng được các quy định của hiệp định nào để tận dụng ưu đãi của hiệp định đó. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần quy định trực tiếp các điều kiện cơ bản nhất để được hưởng ưu đãi thuế cũng như quy định rõ quy trình hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi.
Để tăng cường việc tận dụng ưu đãi thuế quan, từ góc độ cơ quan thực thi cam kết, theo Vụ Hợp tác quốc tế, điều kiện để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, thì hàng hóa phải thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên của hiệp định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp) và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của hiệp định.
Do vậy, các DN cần chủ động tìm hiều các cam kết, tác động và có sự chuẩn bị hành động thích hợp; cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng có thể tận dụng các cơ hội hội nhập FTA. Đặc biệt, DN cần tăng cường hợp tác, liên kết lẫn nhau, bởi đây sẽ là yếu tố trợ lực có ý nghĩa để việc tận dụng các cam kết hội nhập được hiệu quả, an toàn và bền vững hơn.
Nguồn: Thuế Nhà nước
Thông tin liên hệ:
- htdn@tpm.com.vn
- +(8428) 3505 1800
- https://tpm.com.vn
- Tầng 4, Tòa nhà GroCenter, 132-134 Điện Biên Phủ, Phường Đa Kao, Quận 1,