Hợp tác quốc tế để chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách, nhất là đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ được Tổng cục Thuế rất chú trọng.
Tổng cục Thuế đã tiến hành trao đổi thông tin đối với 57 trường hợp với cơ quan thuế của 17 nước để quản lý thu thuế trong năm 2021, trong đó bao có 36 cả trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài cung cấp thông tin, 18 trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin và trao đổi thông tin tự động với 3 trường hợp để quản lý thuế.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, các cuộc trao đổi được thực hiện qua hình thức trực tuyến.
Báo cáo cho thấy, trong năm 2021, Tổng cục Thuế đã trao đổi thông tin đối với 57 trường hợp với cơ quan thuế của 17 nước bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Campuchia, Hồng Kông, Trung Quốc, Nga, Singapore, Đài Loan, Lào, Ấn Độ, UAE, Ailen, Slovenia, Latvia, Pháp, Đức. Trong đó, bao gồm cả trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài cung cấp thông tin (36 trường hợp), nước ngoài yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin (18 trường hợp) và trao đổi thông tin tự động (3 trường hợp).
Tổng cục Thuế cũng thúc đẩy việc ký Hiệp định đa phương về Hỗ trợ hành chính chung về thuế (MAC). Tổng cục Thuế đã hoàn thiện dự thảo hồ sơ trình Chính phủ cho phép ký MAC theo các quy định của Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13, nội dung của MAC.
Tổng cục Thuế cũng đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Chủ tịch nước ủy quyền cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp ký Hiệp định thuế đa phương. Ngày 25/5/2021, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 765/QĐ-CTN ủy quyền cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp thay mặt Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Hiệp định thuế đa phương.
Trong năm 2021, Tổng cục Thuế cũng đã trình Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện rà soát hiệu quả của các Hiệp định thuế đã ký và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể nhằm hoàn thiện chính sách đàm phán ký kết Hiệp định thuế đến năm 2030, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán, công khai minh bạch.