Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin đến đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí về một số giải pháp nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, để chuẩn bị ứng phó đối với những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu, trong đó Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ và đã thành lập nhóm giúp việc cho Tổ công tác.
Thực hiện nhiệm vụ, ngày 18/4 Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”. Tại hội thảo, các ý kiến, đề xuất từ chuyên gia, diễn giả trong, ngoài nước cũng như đại diện các DN có vốn đầu tư nước ngoài đều khuyến nghị Việt Nam chủ động sớm ban hành, điều chỉnh quy định pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục có các giải pháp để thu hút DN tiếp tục đầu tư vào Việt Nam cũng như tiếp tục giành những ưu đãi cho các DN phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và những cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng các chính sách hỗ trợ DN thông qua các giải pháp trực tiếp cũng như gián tiếp dành cho những DN sau khi Việt Nam thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
“Chúng tôi đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để cụ thể hoá các chính sách này. Dự kiến có một số chính sách như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trực tiếp trong khu công nghiệp mà các DN có trụ sở, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN, chính sách hỗ trợ thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam và những chính sách khác sao cho phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong hội nhập quốc tế”- Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan sẽ sớm báo cáo Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác về những chính sách phù hợp, vừa đảm bảo tài chính của Việt Nam, vừa tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư lớn-những DN sẽ mang đến Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong thời gian tới.
Sẵn sàng nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương
Về nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu áp dụng từ 1/7 sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc tăng lương từ 1/7.
Cho biết với nhu cầu khoảng 59.000 tỷ đồng cho 6 tháng cuối năm 2023 và đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2023 là 12.000 tỷ đồng, còn 47.000 tỷ đồng được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương, trong đó ngân sách địa phương là 27.000, ngân sách Trung ương là 20.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách tăng lương tối thiểu và cải cách tiền lương 6 tháng cuối năm 2023.
Thông tin thêm về nội dung này, liên quan đến nội dung dự thảo nghị định triển khai chính sách tăng lương tối thiểu và cải cách tiền lương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công, trong tháng 2/2023 Bộ Nội vụ đã chủ động soạn thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương… theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của nhân dân, trong tháng 4/2023 Bộ Nội vụ đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trước ngày nghỉ lễ, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định. Trên cơ sở thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 5/2023 để từ 1/7/2023 thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng, tăng 20,8%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú:
Thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các DN trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, lãi suất huy động chung giảm từ 1-1,2%; lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, với lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%. Theo thống kê, hiện lãi suất tiền gửi bình quân là 6,0-6,1%, lãi suất cho vay khoảng từ 9-9,2%. Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất khá tích cực trong thời gian vừa qua.
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho DN, vừa chia sẻ với DN vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.
Nguồn: Thuế Nhà nước
Thông tin liên hệ:
- htdn@tpm.com.vn
- +(8428) 3505 1800
- https://tpm.com.vn
- Tầng 4, Tòa nhà GroCenter, 132-134 Điện Biên Phủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM