Tại dự thảo đề xuất xây dựng Luật Thuế TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với DN thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (trụ cột 2) và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia Trụ cột 2.
Danh mục địa bàn hưởng ưu đãi thuế rộng
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TNDN hiện hành quy định ưu đãi thuế TNDN, bao gồm thuế suất, thời gian miễn, giảm thuế. Kể từ năm 2009, các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế đã quy định cụ thể tại Luật thuế TNDN. Theo đó, số lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN đã được thu gọn hơn, còn 30 nhóm, trong đó 23 nhóm lĩnh vực được áp dụng mức ưu đãi cao nhất, 7 nhóm lĩnh vực áp dụng mức ưu đãi thấp hơn.
Việc điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi thuế cùng với những cải cách, thúc đẩy môi trường kinh doanh… giúp Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tiễn chính sách ưu đãi thuế TNDN cũng bộc lộ những nhược điểm, hạn chế. Các DN thường tập trung đầu tư tại những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi, nhất là nhóm DN FDI; danh mục địa bàn ưu đãi thuế nhiều năm qua không giảm, thậm chí mở rộng hơn. Chưa kể, chính sách thuế còn được lồng ghép nhiều trong các luật chuyên ngành làm tăng tính dàn trải và giảm tính trung lập của thuế…
Ở phạm vi quốc tế, nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận đã ra tuyên bố về việc thực hiện khung giải pháp 2 trụ cột. Trong đó, trụ cột 2 với mục đích thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về mức TNDN tối thiểu (hạn chế tình trạng giảm thuế suất thuế TNDN quá mức giữa các quốc gia). Trụ cột 2 đã đặt ra cơ chế cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao từ 750 triệu Euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế TNDN dưới mức tối thiểu là 15%.
Mặc dù với cơ chế áp dụng thu thuế bổ sung đối với công ty mẹ ở nước ngoài không ảnh hưởng đến số thu thuế của Việt Nam đối với các công ty con theo chính sách hiện hành, cũng như không bắt buộc Việt Nam phải cắt giảm ưu đãi đã cấp cho các công ty con, nên chưa phát sinh việc bảo đảm ưu đãi đầu tư đã cấp tại Việt Nam đối với các công ty con thành viên thực hiện đầu tư tại Việt Nam (các đối tượng nộp thuế là các pháp nhân khác nhau tại các quốc gia khác nhau).
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc duy trì tính hấp dẫn của các chính sách thu hút đầu tư trong xu hướng các quốc gia khác cũng đẩy mạnh các chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu thu hút đầu tư. Do đó, để đảm bảo một hệ thống chính sách thuế bình đẳng, thống nhất; không tạo ra sự xáo trộn lớn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư kinh doanh; bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam, cũng như các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, cần thiết nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN tới đây cho phù hợp với cơ chế thực thi của Trụ cột 2, đồng thời hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi chính sách ưu đãi đang được quy định tại Luật thuế TNDN để mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế thông qua việc rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế.
Đối tượng ưu đãi thuế tối thiểu toàn cầu
Nhằm mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất 2 giải pháp. Giải pháp 1: giữ nguyên như quy định về ưu đãi thuế TNDN như hiện hành. Bộ Tài chính đánh giá, giải pháp này không làm thay đổi chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo sự ổn định của chính sách và không làm phát sinh các chi phí liên quan đến tổ chức thực hiện, nhưng không khắc phục được các bất cập phát sinh, nhất là việc rà soát các ưu đãi dư thừa, không hiệu quả gây xói mòn cơ sở thuế; chưa thực sự góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu; cphù hợp với xu hướng cải cách và hợp tác quốc tế về thuế.
Đối với giải pháp 2: rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi thuế TNDN, khắc phục được các bất cập được xác định ở trên. Cụ thể, rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế phù hợp, tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thuế, tập trung khuyến khích vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với DN thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (trụ cột 2) và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia Trụ cột 2. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng; bổ sung nội dung về ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm đảm bảo sự thống nhất với quy định của Luật Đầu tư và việc tham gia Trụ cột 2.
Bộ Tài chính cho rằng, giải pháp 2 sẽ tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện. Thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành; đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ giữa pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành; hạn chế được tình trạng xói mòn cơ sở thuế do việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế TNDN. Chủ động có được các giải pháp để ứng phó với việc các quốc gia trên thế giới áp dụng Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu để một mặt vừa duy trì được tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, mặt khác hạn chế được việc áp dụng các chính sách ưu đãi không hiệu quả trên thực tế.
Tuy nhiên, việc rà soát thu hẹp ưu đãi đối với một số lĩnh vực, địa bàn có thể gây phản ứng từ các DN, nhất là các DN thuộc diện bị thu hẹp ưu đãi. Việc điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế TNDN theo phương án dự kiến đối với một số lĩnh vực, địa bàn có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Phát sinh một số thủ tục, chi phí để triển khai thực hiện các quy định mới, xây dựng bổ sung các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết.
Trên cơ sở phân tích các tác động tích cực và tiêu cực của các giải pháp, Bộ Tài chính kiến nghị lựa chọn giải pháp 2.
(Nguồn: Thuế nhà nước)
Trên đây là một số thông tin về nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với DN thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mà TPM chúng tôi muốn chia sẽ cho Qúy khách hàng. Nếu có thắc mắc về thuế hãy liên hệ chúng tôi theo thông tin sau:
Website: https://tpm.com.vn/
Mail: htdn@tpm.com.vn
Phone: 090 298 1080
Phone: +(8428) 3505 1800
Address: Tầng 4, Tòa nhà GroCenter, 132-134 Điện Biên Phủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM